Nhờ có chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn thành phố, nhiều người dân huyện ngoại thành đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng mai với mong ước đổi đời. Nhờ có chính sách hỗ trợ, bà Nguyễn Thu Hà (xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn) đầu tư mở rộng vườn mai đem về thu nhập ổn định cho gia đình.
Hóc Môn vốn là huyện có truyền thống trồng mai khá lâu đời. Theo thống kê, tính đến năm 2018, diện tích vườn mai đẹp của huyện có hơn 28 ha (trong đó mai ghép 12 ha, mai nguyên liệu 16 ha). Một số xã có nhiều hộ dân trồng mai như Nhị Bình, Bà Điểm, Tân Hiệp, Đông Thạnh… Đây là loại cây có giá trị kinh tế cao nhưng vốn để đầu tư khá lớn và cần kỹ thuật chăm sóc nên không phải ai cũng làm được mô hình này.
Nhận thấy thị trường tiêu thụ cho cây mai ở TP.HCM là rất lớn, đầu ra ổn định nên bà Hà đã quyết định đầu tư trồng mai. Nhưng muốn trồng mai thì phải có số vốn lớn và am hiểu về kỹ thuật chăm sóc mới đạt hiệu quả. Lúc đó, bà Thu và người cháu là anh Nguyễn Minh Thành (đã có gần 7 năm kinh nghiệm) cùng kết hợp trồng và chăm sóc mai. Năm 2016, cả vườn mai chỉ khoảng gần 60 gốc, vì chưa đủ chi phí để nhập gốc mai nguyên liệu.
>>điểm cung cấp giống mai nhị ngọc toàn, tìm hiểu giống mai đột biến nhị ngọc toàn, đặc điểm nhận dạng giống mai nhị ngọc toàn
Bà Hà chia sẻ: “Muốn trồng được mai và mở rộng diện tích thì phải có nguồn vốn, đây cũng là vấn đề khó khăn nhất cần giải quyết. Đến năm 2018, qua hội nông dân, tôi biết đến chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn thành phố, có hỗ trợ chi phí cho người trồng mai đầu tư mở rộng diện tích, đây là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao. Sau đó, tôi được hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn phát triển mô hình của mình”. Có vốn, bà Hà cùng vợ chồng anh Thành tiến hành tìm và nhập thêm gốc mai, gia tăng diện tích vườn. Đến nay, vườn mai có khoảng hơn 200 gốc với diện tích gần 3.000 m2, bao gồm cả gốc mai nguyên thủy và gốc mai ghép.
Tại vườn hiện có các loại mai như mai tứ quý, mai Thủ Đức, mai Bến Tre, mai nguyên thủy. Những gốc mai nguyên liệu được tuyển chọn về vườn thường có mức giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, cây ghép tại vườn có tuổi đời khoảng 3 – 10 năm. Mỗi năm đều nhập gốc mai nguyên liệu mới để thực hiện ghép, khi mua về phải mất một năm để nuôi, năm thứ hai thực hiện ghép và năm thứ tư trở đi (từ thời điểm nhập gốc là 3 năm) bắt đầu có thể cho thuê cây. Thị trường mai nhộn nhịp nhất là vào dịp tết Nguyên đán, thường những ngày cận tết, bà Hà sẽ thuê một vài nhân công để tỉa lá cho kịp thời vụ. Việc vô phân, tưới nước, thay chậu và xử lý bệnh phát sinh là phải chăm sóc theo dõi mỗi ngày. Những cây mai ghép tại vườn cho thuê với mức giá trung bình từ 2 – 10 triệu đồng, những cây đẹp sẽ có mức giá cao hơn. Nhờ có vườn mai mà bà Hà cùng vợ chồng anh Thành có thu nhập mỗi tháng hơn 10 triệu đồng, cuộc sống gia đình khấm khá hơn trước.
>>mai quấn đế là gì? cách quấn rễ mai vàng ở bến tre đẹp nhất
“Để có vườn mai đẹp thì khó nhất ở công đoạn tạo dáng cho cây, hoa ra đúng kỳ. Nếu thời tiết ủng hộ, người trồng mai sẽ được mùa, đem lại thu nhập cao. Giá của cây mai vô chừng lắm, có khi còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu và “từng con mắt” của khách hàng. Đối với mỗi người trồng mai sẽ có những bí quyết chăm sóc riêng, được đúc rút qua quá trình trồng, chăm sóc, “sát cánh” cùng với mai”, bà Hà chia sẻ thêm.